Tín ngưỡng Việt
Trong đời sống tâm linh, bên cạnh tôn giáo của mình đại đa số các gia đình người Việt đều có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng quan trọng và phong tục thờ cúng tổ tiên cũng là một nét văn hóa lớn cấu thành nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phong tục thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ niềm tin cho rằng bên cạnh thế giới chúng ta đang sống (dương thế) còn có một thế giới vô hình khác song song tồn tại. Người ta khi chết đi thể xác (phần dương) sẽ tiêu tan nhưng linh hồn thì mãi trường tồn nơi thế giới vô hình kia và luôn dõi theo, che chở phù hộ cho các con cháu. Với quan niệm Âm, Dương tuy cách biệt nhưng vẫn có mối liên hệ tương hỗ, sự thờ cúng chính là môi trường trung gian cho mối liên hệ ấy. Người ta cũng cho rằng: Dương sao Âm vậy, khi sống cần những gì thì ở thế giới bên kia linh hồn người chết cũng cần những thứ ấy. Vì vậy nên mới có tục thờ cúng.
Trải thời gian, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các yếu tố: tôn giáo, chữ viết, tư tưởng, … tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cũng trải những thăng trầm, biến cố. Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào, thờ cúng tổ tiên vẫn là một tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Trong tâm thức mỗi người, việc thờ cúng tổ tiên vẫn mặc nhiên được coi như nghĩa vụ trong cuộc đời.
Trong khuân khổ lễ nghi, TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN sẽ đề cập đến thể thức thờ phụng và nội dung một số bài văn khấn thiết yếu trong đời người.