Tín ngưỡng Việt
WGPSG -- Nhân dịp đang diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 13 và Năm Đức Tin, kỷ niệm 50 năm Công đồng Vaticanô II, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả bài viết Thượng Hội đồng Giám mục để quý độc giả có thể hiểu một cách khái quát về hội nghị này.
IV. THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) là một thể chế định kỳ được Đức Giáo hoàng Phaolô VI có sáng kiến thiết lập qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, ngày 15-9-1965. Thể chế này đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng Vatican II muốn duy trì tinh thần tích cực do kinh nghiệm Công đồng đem lại. Giáo luật cũng đã dự liệu những quy định về THĐGM trong các điều khoản 342-348.
Từ ngữ Synod (thượng hội đồng) phát xuất bởi từ ngữ Hy Lạp ‘Syn’ (cùng nhau), ‘hodos’ (con đường), có nghĩa là cùng nhau đi trên đường, cùng nhau tiến tới. Do đó, THĐGM là hội nghị các giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, theo định kỳ họp mặt, để cổ vũ sự liên kết chặt chẽ giữa Giáo hoàng Roma và các giám mục, nhằm góp ý giúp Giáo hoàng Roma trong việc điều hành Giáo Hội hoàn vũ, cũng như trong việc bảo toàn, phát triển đức tin và luân lý hầu duy trì và củng cố kỷ luật trong Giáo Hội.
Thượng Hội đồng Giám mục có thể nhóm họp thành hội nghị chung thường lệ hay ngoại lệ liên quan đến lợi ích của Giáo Hội toàn cầu, hay hội nghị đặc biệt bàn về những công việc liên quan đến một hay nhiều miền nhất định.
Sau đây là các THĐGM đã được tổ chức từ năm 1967-2005:
1. Hội nghị Chung Thường lệ I từ ngày 29-9 đến 29-10-1967 với chủ đề: “Sự bảo tồn và tăng trưởng đức tin Công giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh và phát triển, sự liên kết có tính lịch sử và đạo lý của đức tin này”. Số người tham dự: 197. Kết quả là thiết lập một Uỷ ban Thần học Quốc tế để giúp đỡ Bộ Giáo lý Đức tin hoạt động từ năm 1963.
2. Hội nghị Chung Ngoại lệ I từ ngày 11 đến 28-10-1969 với chủ đề: “Sự hợp tác giữa Toà Thánh và các Hội đồng Giám mục”. Số người tham dự: 146.
3. Hội nghị Chung Thường lệ II từ ngày 30-9 đến 6-11-1971 với chủ đề: “Chức linh mục thừa tác và công bình trong thế giới”. Số người tham dự: 210.
4. Hội nghị Chung Thường lệ III từ ngày 27-9 đến 26-10-1974 với chủ đề: “Loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện đại”. Số người tham dự: 209. Ngày 18-12-1975, Đức Phaolô VI công bố Tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng).
5. Hội nghị Chung Thường lệ IV từ ngày 30-9 đến 29-10-1977 với chủ đề: “Giáo lý trong thời đại chúng ta”. Số người tham dự: 204. Ngày 16-10-1979, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Catechesi Tradendae (Truyền giảng Giáo lý).
6. Hội nghị Đặc biệt dành cho Hà Lan từ ngày 14 đến 31-12-1979 với chủ đề: “Tình trạng mục vụ của Hà Lan”. Số người tham dự: 19.
7. Hội nghị Chung Thường lệ V từ ngày 26-9 đến 25-10-1980 với chủ đề: “Gia đình Kitô giáo”. Số người tham dự: 216. Ngày 25-10-1980, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Familiaris Consortio (Cơ cấu gia đình).
8. Hội nghị Chung Thường lệ VI từ ngày 29-9 đến 29-10-1983 với chủ đề: “Thống hối và hoà giải trong sứ vụ linh mục”. Số người tham dự: 221. Ngày 2-12-1984, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia (Hoà giải và Thống hối).
9. Hội nghị Chung Ngoại lệ thứ II từ ngày 24-11 đến 8-12-1985 với chủ đề: “Kỷ niệm 20 năm bế mạc Công đồng Chung Vatican II”. Số người tham dự: 165.
10. Hội nghị Chung Thường lệ VII từ ngày 1-10 đến 8-12-1987 với chủ đề: “Ơn gọi và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới”. Số người tham dự: 232. Ngày 30-12-1984, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân).
11. Hội nghị Chung Thường lệ VIII từ 30-9 đến 28-10-1990 với chủ đề: “Đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện tại”. Số người tham dự: 238. Ngày 25-3-1992, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Pastores dabo vobis (Những Mục tử như lòng mong ước).
12. Hội nghị Đặc biệt dành cho châu Âu từ ngày 28-11 đến 14-12-1991 với chủ đề: “Để chúng ta có thể làm chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng giải phóng chúng ta”. Số người tham dự: 137.
13. Hội nghị Đặc biệt dành cho châu Phi từ ngày 10-4 đến 8-5-1994 với chủ đề: “Giáo Hội ở châu Phi và sứ vụ loan báo Tin Mừng tiến đến năm 2000: Các con sẽ là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Số người tham dự: 242. Ngày 14-9-1995, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Ecclesia in Africa (Giáo hội tại châu Phi).
14. Hội nghị Chung Thường lệ IX từ ngày 2 đến 29-10-1994 với chủ đề: “Đời sống Thánh hiến và vai trò của nó trong Giáo Hội và trong thế giới”. Số người tham dự: 245. Ngày 25-3-1996, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Vita Consecrata (Đời sống Thánh hiến).
15. Hội nghị Đặc biệt dành cho Liban từ ngày 26-11 đến 14-12-1995 với chủ đề: “Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: được Chúa Thánh Thần canh tân, chúng ta làm chứng cho tình yêu của Người trong sự đoàn kết”. Số người tham dự: 70. Ngày 10-5-1997, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Một niềm hy vọng mới cho Liban.
16. Hội nghị Đặc biệt dành cho châu Mỹ từ ngày 16-11 đến 12-12-1997 với chủ đề: “Gặp gỡ Đức Kitô hằng sống: Con đường dẫn tới hoán cải, hiệp thông và đoàn kết tại châu Mỹ”. Số người tham dự: 233. Ngày 22-1-1999, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Ecclesia in America (Giáo hội tại châu Mỹ).
17. Hội nghị Đặc biệt dành cho châu Á từ ngày 19-4 đến 14-5-1998 với chủ đề: “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ, sứ vụ tình yêu và phục vụ của Người ở châu Á: Ta đến để chúng được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10). Số người tham dự: 253. Ngày 6-11-1999, Đức Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo hội tại châu Á).
18. Hội nghị Đặc biệt dành cho châu Đại Dương từ ngày 12-11 đến 12-12-1998 với chủ đề: “Đức Giêsu Kitô và các dân tộc ở châu Đại Dương: bước đi con đường của Người, loan báo chân lý Người và sống sự sống của Người”. Số người tham dự: 117.
19. Hội nghị Đặc biệt II dành cho châu Âu từ ngày 1-10 đến 23-10-1999 với chủ đề: “Chúa Giêsu Kitô, sống động trong Giáo Hội của Người, nguồn hy vọng cho châu Âu”. Số người tham dự: 165.
20. Hội nghị Chung Thường lệ X được tổ chức tại Roma từ ngày 30-9 đến 27-10-2001, với chủ đề: “Giám mục: Thừa tác viên của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, phục vụ niềm hy vọng thế giới”. Số người tham dự: 286 trong đó có 247 nghị phụ có quyền bỏ phiếu. Có 161 nghị phụ là các giám mục đến từ tất cả các Hội đồng Giám mục (112) trên thế giới. Ngày 16-10-2003, ĐTC Gioan Phaolô II công bố Tông huấn Pastores Gregis (Những mục tử của đàn chiên).
21. Hội nghị Chung Thường lệ XI được tổ chức tại Rôma từ ngày 2-23/10/2005, với chủ đề “Thánh Thể: Suối nguồn và Đỉnh điểm của Đời sống và Sứ mạng của Giáo Hội”. Tham dự Hội nghị đầu tiên dưới triều Đức Bênêđictô XVI có 252 nghị phụ đến từ 118 quốc gia, nhưng không có mặt bốn giám mục Trung Quốc được Đức giáo hoàng mời vì Chính phủ Trung Quốc không cho các ngài đi. Hội nghị tái khẳng định tính độc thân của linh mục trong Giáo hội theo nghi lễ Latinh, và nói rằng việc phong chức linh mục cho những người nam Công giáo trưởng thành và đã có gia đình không “phải là giải pháp” để giải quyết tình trạng thiếu linh mục ở một số quốc gia hiện nay. Hội nghị còn tái tuyên bố việc Giáo hội cấm ban phát Mình Thánh Chúa cho những người Công giáo đã ly dị hoặc tái kết hôn, và cấm các Kitô hữu khác rước Mình Thánh Chúa trong Giáo hội Công giáo, ngoại trừ một số trường hợp cá nhân ngoại lệ. Tông huấn về Hội nghị này sẽ được Đức Bênêđictô XVI ban hành sau một năm nữa.